Tích cực phòng, chống bệnh nghề nghiệp

Công ty CP UTEN Việt - Đức 25/10/2018

Thời gian qua, Bộ Quốc phòng đã ban hành nhiều quyết định, thông tư, đề án và chỉ đạo các đơn vị trong toàn quân thực hiện các biện pháp nhằm bảo đảm cho người lao động trong phòng, chống bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động (PCBNN&TNLĐ).

Những kết quả đáng mừng 

Trao đổi về việc thực hiện PCBNN&TNLĐ tại Tổng cục Kỹ thuật (TCKT), Đại tá Lê Văn Tấn, Trưởng phòng Quân y (Cục Hậu cần) cho chúng tôi biết: "Những năm qua, Ban chỉ đạo PCBNN&TNLĐ của TCKT đã xây dựng kế hoạch và tổ chức khảo sát môi trường lao động cho 100% đơn vị cơ sở; chủ động phối hợp với Viện Y học dự phòng Quân đội triển khai giám sát môi trường lao động cho 100% các đơn vị theo kế hoạch. Tổng cục tổ chức khảo sát môi trường lao động và khám thâm nhiễm thuốc nổ TNT nghề nghiệp; triển khai xây dựng các nhà nghỉ giải lao, ăn ca cho công nhân tại các đơn vị của Cục Quân khí và lắp đặt hệ thống thông gió tự nhiên, thông gió cưỡng bức, cải tạo môi trường cho các kho đạn...".

Cán bộ Quân y Tổng cục Kỹ thuật khám, cấp thuốc miễn phí cho người lao động đã nghỉ hưu có bệnh nghề nghiệp tại xã Hải Yang, huyện Đắk Đoa, tỉnh Gia Lai (thuộc Kho K896).

Với các biện pháp trên, môi trường lao động tại các đơn vị cơ sở thuộc TCKT đã được cải thiện đáng kể, sức khỏe của người lao động được quan tâm tốt hơn. Phòng Quân y cũng chỉ đạo quân y các đơn vị tổ chức kiểm tra sức khỏe định kỳ cho người lao động ở các đơn vị cơ sở; phối hợp với Bệnh viện Quân y 354 tổ chức khám bệnh nghề nghiệp cho khối cơ quan tổng cục theo kế hoạch. Riêng trong năm 2014, TCKT có 98,28% số người lao động trong môi trường độc hại được kiểm tra sức khỏe định kỳ.

Đại tá Nguyễn Xuân Kiên, Phó cục trưởng Cục Quân y (Bộ Quốc phòng) cho biết: Tính riêng năm 2014, Hội đồng Giám định y khoa bệnh nghề nghiệp Bộ Quốc phòng đã tổ chức hội chẩn cho 433 hồ sơ, xác định 251 trường hợp mắc bệnh của 18 đơn vị; đã giám định giải quyết chính sách cho 347 trường hợp mắc các bệnh nghề nghiệp của 29 đơn vị, trong đó nhiễm độc thuốc nổ TNT nghề nghiệp 73 người, bụi phổi silic 120 người, điếc nghề nghiệp 147 người và giám định tổng hợp cho 7 người. Trong đó, có 85 người được cấp sổ trợ cấp thường xuyên và 262 người được nhận trợ cấp một lần.

Bảo hiểm xã hội Bộ Quốc phòng cũng đã phối hợp tốt với các cơ quan chuyên môn của Cục Quân y, Hội đồng Giám định y khoa bệnh nghề nghiệp và đơn vị cơ sở làm tốt công tác thẩm định hồ sơ trước giám định, đồng thời chi trả đền bù, trợ cấp kịp thời cho các trường hợp bị bệnh nghề nghiệp, TNLĐ sau khi có kết luận giám định.

Bảo đảm tốt quyền lợi của người lao động

Môi trường lao động trong quân đội là môi trường có tính đặc thù cao, kèm với các yếu tố nặng nhọc, phức tạp, nguy hiểm, độc hại. Nhận thức đầy đủ ý nghĩa của công tác PCBNN&TNLĐ trong quân đội, Quân ủy Trung ương, Bộ Quốc phòng đã có nhiều giải pháp, ban hành nhiều văn bản, nhằm từng bước cải thiện điều kiện làm việc, ngăn ngừa, hạn chế bệnh nghề nghiệp và tai nạn lao động, bảo đảm an toàn cho cán bộ, chiến sĩ, người lao động trong quân đội. Các văn bản về PCBNN&TNLĐ được phổ biến kỹ tới từng người lao động ở các đơn vị, công ty, xí nghiệp và được điều chỉnh trong các quy chế quy định của các đơn vị. Khi có những vướng mắc xảy ra, lãnh đạo, chỉ huy các đơn vị tích cực tìm hiểu, giải quyết các khúc mắc theo hướng có lợi cho người lao động.  

Tổ chức khám, phát hiện bệnh nghề nghiệp cho người lao động tại Kho K896 (Cục Quân khí, Tổng cục Kỹ thuật).

Trao đổi với chúng tôi, Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, Phó chủ nhiệm, Tham mưu trưởng Tổng cục Kỹ thuật cho biết: Hằng năm, các đơn vị trong toàn quân đã tích cực hưởng ứng Tuần lễ quốc gia về AT, VSLĐ và PCCN với nhiều nội dung, hình thức hoạt động phong phú, triển khai các biện pháp thiết thực, cụ thể, phù hợp với đặc thù hoạt động huấn luyện, diễn tập, lao động sản xuất của từng đơn vị. Qua đó, nhận thức của cán bộ, chiến sĩ và người lao động trong toàn quân từng bước được nâng cao, đã hạn chế nhiều nguy cơ gây mất ATLĐ, giảm số lao động mắc bệnh nghề nghiệp qua từng năm.

Hiện nay, hệ thống kho, trạm, cơ sở bảo đảm kỹ thuật trong toàn quân cơ bản được đầu tư củng cố, cải tạo nâng cấp theo hướng cơ bản, bền vững, hiện đại. Trang bị, thiết bị bảo đảm ATLĐ được ưu tiên đầu tư. Công tác huấn luyện, nghiên cứu khoa học về PCBNN&TNLĐ được các cơ quan, đơn vị, cơ sở sản xuất quan tâm đúng mức; điều kiện của người lao động được cải thiện tích cực. Các chế độ bảo hộ lao động như: Trang bị bảo vệ cá nhân, chế độ bồi dưỡng chống độc hại được thực hiện nghiêm túc. Các đơn vị cũng đã chủ động xây dựng nội quy, quy trình bảo đảm an toàn tại các vị trí làm việc.

Cũng theo Thiếu tướng Phạm Dũng Tiến, thời gian tới, các đơn vị chuyên môn kỹ thuật như: Viện Y học dự phòng Quân đội, Trung tâm Y học dự phòng Quân đội phía Nam, Bệnh viện Quân y 103, 175 và Hội đồng Giám định y khoa bệnh nghề nghiệp Bộ Quốc phòng sẽ tiếp tục chủ động triển khai đo đạc lấy thông số về môi trường lao động. Đồng thời tích cực tổ chức điều trị, giám định, giải quyết chế độ cho các đối tượng đã được chẩn đoán xác định bệnh nghề nghiệp một cách nhanh nhất. Ban chỉ đạo PCBNN&TNLĐ giao cho Viện Y học dự phòng Quân đội chủ động đề xuất nghiên cứu bệnh nghề nghiệp trong các phạm vi, lĩnh vực mới, liên quan đến nhiên liệu tên lửa, thuốc phóng, thuốc nổ v.v... để kịp thời phát hiện, có giải pháp xử lý kịp thời, góp phần bảo đảm tốt sức khỏe, quyền lợi của người lao động trong quân đội.