Nỗ lực "giữ chân" thợ lò

Công ty CP UTEN Việt - Đức 25/10/2018

Theo quy hoạch phát triển đến năm 2020 của Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (TKV), sản lượng than thương phẩm sản xuất toàn ngành đạt từ 60-65 triệu tấn, tốc độ tăng trưởng doanh thu bình quân từ 6,5-7%/năm. Ðể thực hiện được mục tiêu trên, những năm qua, cùng với đầu tư xây dựng và phát triển sản xuất, công tác chăm lo đời sống người lao động cũng luôn được ngành than đặc biệt quan tâm. Ðời sống của người thợ mỏ đang từng ngày đổi thay, từ điều kiện làm việc đến nơi ăn chốn ở.
 

Ðẩy mạnh cơ giới hóa

Vài năm trở lại đây, "sức hút" của nghề mỏ không còn như trước, TKV đứng trước thách thức thiếu hụt nguồn nhân lực đến mức báo động, nhất là thợ lò. Cùng với đó, việc áp dụng công nghệ trong khai thác than vẫn gặp nhiều khó khăn, công tác khoan thăm dò, bổ sung tài nguyên còn chậm,... Trước thực tế trên, các đơn vị trong TKV đang nỗ lực thực hiện nhiều giải pháp quan trọng nhằm ổn định việc làm, nâng cao thu nhập cho người lao động, bảo đảm đời sống cho công nhân, áp dụng khoa học kỹ thuật vào sản xuất để nâng cao năng suất, giảm nặng nhọc trong lao động để "giữ chân" thợ lò.

Ðể hiểu rõ hơn về đời sống thợ lò, chúng tôi đã khảo sát, tìm hiểu thực tế tại Công ty Than Thống Nhất - TKV. Theo chân anh Trần Thế Dũng, công nhân có thâm niên 23 năm làm thợ lò xuống tận khai trường, nghe anh kể chuyện mới thấy hết sự đổi thay trong điều kiện làm việc hằng ngày của thợ mỏ so với trước đây. Anh Dũng kể: Bây giờ, thợ lò được đưa đón bằng xe ô-tô có máy lạnh từ chỗ ở đến nơi làm việc, có chế độ ăn giữa ca gồm hai hộp sữa tươi và một chiếc bánh mì. Ngoài ra, công ty còn đầu tư, trang bị nhiều máy móc kỹ thuật hỗ trợ trong lò như xe song loan, máy đo khí mê-tan, giá đỡ thủy lực di động ZH 1600, xe khoan tự hành, xe goòng trọng tải ba tấn, máy khấu com-bai,... giúp rút ngắn thời gian di chuyển trong hầm lò, tăng thời gian lao động hữu ích, tăng năng suất lao động và hạn chế tối đa tai nạn trong hầm lò. Người lao động xuống hầm lò đều được lắp đặt thêm hệ thống định vị, xác định vị trí của từng người trong suốt thời gian làm việc, trong những trường hợp bất thường xảy ra, có thể xác định nhanh nhất vị trí để ứng cứu kịp thời, nâng cao an toàn trong khai thác. Nhờ sự quan tâm cả về vật chất lẫn tinh thần, thợ lò yên tâm hơn trong cuộc sống, lao động và muốn gắn bó lâu dài với công việc của mình.

Trưởng ban Tuyên giáo Công ty Than Thống Nhất Nguyễn Lương Bình phấn khởi cho biết, thợ lò được duy trì đầy đủ các chế độ ăn uống, mức ăn định lượng được nâng lên 55 nghìn đồng/suất, bồi dưỡng độc hại 10 - 15 nghìn đồng/suất, ăn ca 23 nghìn đồng/suất. Ðể giúp người lao động biết rõ thành quả, sau mỗi ca, tiền lương được công khai và gắn trả lương sản phẩm không hạn chế, đi đôi với hiệu quả công việc. Những công nhân có ngày công cao, hoàn thành hợp đồng, đạt năng suất kỷ lục được khen thưởng trên tinh thần công khai, minh bạch và kịp thời. Do đó, từ năm 2014 đến nay, tiền lương cho người lao động tại công ty đã tăng bình quân 3-4%, riêng thợ lò tăng lên 15%. Có thợ lò làm hơn 22 ngày công/tháng, thu nhập đạt hơn 35 triệu đồng, tăng gấp hai đến ba lần so những năm trước đây.

Ổn định đời sống người lao động

Là một trong những đơn vị khai thác hầm lò lâu đời nhất của TKV, năm 2014, Than Thống Nhất đã đánh dấu bước ngoặt trong việc khai thác hầm lò ở mức âm 140 m tại khu Lộ Trí, thông qua việc khai thông đường lò sâu từ 35 đến 140 m. Ðây là khu vực khai thác trung tâm, được kỳ vọng sẽ duy trì sản lượng khai thác của công ty trong nhiều năm tới. Tuy nhiên, công tác đào lò xây dựng cơ bản hiện vẫn chưa đáp ứng yêu cầu do nhiều đường lò nằm trong vùng đất đỏ, sét kết, ngậm nước, có mức độ lún nén, bùng nền mạnh, phải thường xuyên cải tạo. Hơn nữa, lò xây dựng cơ bản mức âm 140 m thường gặp mạch nước ngầm lưu lượng lớn, trung bình 75 m3/giờ nên buộc phải dừng thi công trong thời gian dài để tháo khô nước, ảnh hưởng rất nhiều đến tiến độ khai thác.

Theo Phó trưởng phòng an toàn và bảo hộ lao động (Công ty Than Thống Nhất) Lê Viết Cương, công ty phấn đấu trong năm nay đẩy nhanh tiến độ ra than của dự án khai thác hầm lò xuống sâu dưới mức âm 35, sản xuất hơn 1,6 triệu tấn than nguyên khai, đào gần 10 nghìn mét lò, phấn đấu doanh thu đạt hơn 2.000 tỷ đồng. Ðây là con số không hề nhỏ trong điều kiện sản xuất phức tạp khi tiết diện khai thác của công ty đang dần cạn kiệt, hầu hết các đường lò mức âm 15 m đều nằm trong vùng đã khai thác. Vì vậy, tranh thủ thời tiết thuận lợi, công ty đã yêu cầu toàn thể người lao động tập trung tối đa cho sản xuất. Trong đó, nhiệm vụ trọng tâm phải thường xuyên bảo trì, bảo dưỡng, sửa chữa hệ thống bơm thoát nước trung tâm mức khai thác âm 35 m để hạn chế tối đa nguy cơ ngập nước, ổn định và chuẩn bị đủ diện sản xuất tại các lò chợ và có kế hoạch chuyển diện sản xuất nhịp nhàng, không để các lò chợ chuyển diện sản xuất cùng thời điểm làm ảnh hưởng đến sản lượng ra than. Từ đầu năm đến nay, công ty đã sản xuất và tiêu thụ hơn 600 nghìn tấn than, đào gần 3.000 m lò các loại; phấn đấu thu nhập bình quân hằng tháng người lao động đạt hơn 10 triệu đồng, trong đó thợ lò bình quân 15 triệu đồng/tháng, thợ bậc cao 20 triệu đồng/tháng.

Việc đẩy mạnh phát triển sản xuất than gắn liền với bảo đảm đời sống cho người lao động đã và đang giúp TKV ổn định sản xuất, đặc biệt trong khai thác than. Ngành than ngoài đặc thù độc hại, nguy hiểm, đòi hỏi cường độ lao động cao, hầu hết các khai trường mỏ hầm lò đều ở vùng sâu, vùng xa, khả năng tham gia sinh hoạt cộng đồng hạn chế. Nhiều thợ lò trẻ tâm sự, họ không sợ vất vả, cực nhọc, chỉ sợ đời sống văn hóa, tinh thần nghèo nàn. Sau những giờ làm việc âm thầm dưới lòng đất, họ cần được hòa nhập, tham gia các hoạt động cộng đồng. Một số đơn vị tuy có tổ chức các phong trào văn hóa, thể thao, song vẫn theo kiểu hình thức, "làm cho có". Nhiều lao động trẻ được điều động về các khai trường heo hút, không bạn bè, người thân, dễ nảy sinh tâm lý buồn chán, sa đà vào tệ nạn cờ bạc, rượu chè. Vì vậy, để thợ lò gắn bó với nghề, ngoài những giải pháp nâng cao đời sống, cải thiện điều kiện làm việc, TKV cần tiếp tục đẩy mạnh áp dụng công nghệ tiên tiến, cơ giới hóa đào lò trong khai thác than. Ðồng thời, mỗi đơn vị thành viên cần phát huy tính sáng tạo, nhằm cải thiện đời sống vật chất, tinh thần cho công nhân, qua đó khích lệ, động viên người lao động tích cực thi đua sản xuất.