Những người đối mặt với " đạn cấp nguy hiểm”

Công ty CP UTEN Việt - Đức 25/10/2018

Thời bình, trên nhiều lĩnh vực với nhiệm vụ đặc thù khác nhau, người chiến sĩ vẫn thường xuyên phải đối mặt với những khó khăn vất vả, thậm chí hy sinh… Một trong những nhiệm vụ khó khăn, nguy hiểm phải kể đến, đó là công việc của những người lính thợ làm nhiệm vụ tại Trạm xử lý đạn cấp 5 (cấp nguy hiểm, buộc phải hủy) thuộc Cụm 1 (Trung tâm công nghệ xử lý bom mìn – Bộ tư lệnh Công binh)…

Nghĩ đến những người “lính kho”, người ta hình dung ngay đến những nơi địa hình núi non hiểm trở, tứ bề núi bao quanh,  khí hậu khắc nghiệt, …  Nơi thực hiện nhiệm vụ của cán bộ, nhân viên Trạm xử lý đạn cấp 5 thuộc Cụm 1, tại tỉnh 
Thanh Hóa cũng không phải là một ngoại lệ. 

Dẫn chúng tôi đi thăm các khu vực nằm trong quy trình xử lý đạn, Trung tá, trạm trưởng - Đỗ Trọng Mừng cho biết: Địa thế hiểm trở, mùa đông nhiệt độ xuống rất thấp, mùa hè thì oi bức, rất ít gió bởi các dãy núi cao ngất che chắn.  Tuy nhiên, khu vực này lại có những lợi thế đặc biệt về nghiệp vụ quân khí, nhất là công việc xử lý đạn cấp 5, vì xa khu dân cư, đảm bảo an toàn.

 

Đạn cấp 5 được tập kết tại Trạm xử lý


Tại khu vực tập kết đạn, chúng tôi lặng lẽ quan sát những người lính thợ mặc quần áo bảo hộ, găng tay và đeo khẩu trang thận trọng phân loại từng loại đạn chuẩn bị cho quy trình xử lý…

Một công việc nặng nhọc, độc hại và khá nguy hiểm… Vậy công tác an toàn được đặt ra như thế nào? Giải đáp thắc mắc này của chúng tôi, Trung tá Đỗ Trọng Mừng cho biết thêm: Do tính chất phức tạp, đạn cấp 5 gồm nhiều chủng loại, trước khi xử lý, cùng với quán triệt tốt công tác tư tưởng cho bộ đội trong thực hiện nhiệm vụ, đơn vị chú trọng công tác tập huấn về quy trình xử lý đối với từng loại đạn, nhất là chấp hành nghiêm túc các bước trong công tác xử lý. Chẳng hạn: Tập kết, phân loại, tháo gỡ, nhất là quy tắc vận hành xì lấy thuốc bom đạn bằng hơi nước nóng… Ví dụ như đối với quy trình “cắt bom” để lấy thuốc bằng máy cắt MEBA 800-600, trước khi bắt tay vào công việc vận hành máy phải kiểm tra kỹ thuật, kiểm tra kỹ hệ thống thủy lực, dây tải, hệ thống làm mát, vận hành theo đúng quy trình, tiến hành cắt thử, đảm bảo thiết bị chạy tốt mới thực hiện thao tác “cắt bom” chính thức… “Cẩn trọng, tỉ mỉ, chấp hành nghiêm trúc các quy tắc của ngành quân khí là những điều cán bộ, nhân viên Trạm xử lý đạn cấp 5 thuộc nằm lòng, bởi chỉ cần một chút sơ sảy thì hậu quả của nó để lại là rất khó lường” - Anh Mừng khẳng định.
 

Quy trình xì hấp bom, đạn bằng hơi nước nóng


Tính chất nguy hiểm, công việc nặng nhọc và làm việc trong môi trường độc hại, nhưng tất cả “lính thợ” nơi đây dường như đã xác định gắn bó với “nghiệp” của mình. Tại khu vực xì bom đạn bằng hơi nước nóng, tiếng máy chạy, mùi thuốc nổ TNT xộc lên mũi, khiến những vị khách mới đến như chúng tôi không khỏi bị “ngợp”. Đại úy QNCN Lê Minh Triệu, tổ trưởng vận hành xì bom, đạn bằng hơi nước nóng chia sẻ: Trong quy trình xử lý bom, đạn cấp 5, cùng với “cắt bom” để lấy thuốc thì công đoạn xì bằng nước nóng, hấp đạn bằng hệ thống các lò hơi để thuốc nổ chảy ra, người lính thợ phải tiếp cận với độc hại nhiều nhất. Anh Triệu, giải thích, những loại đạn thông thường có thể hấp trong lò ở nhiệt độ hơn 100 độ C thì chỉ khoảng 2 đến 3 tiếng là thuốc có thể chảy ra theo máng, còn vỏ đạn sẽ được kiểm tra kỹ và đưa vào lưu cất. Tuy nhiên cũng có nhiều loại đạn ví dụ như đạn cối 160 thì phải cần 10 đến 12 tiếng, thuốc mới tan chảy... Nhờ các thiết bị máy móc vận hành giảm tối đa sức người nhưng việc chuyển đạn vào hấp và chuyển ra, đặc biệt là công tác kiểm tra chặt chẽ lượng thuốc tồn dư đều cần sự tiếp xúc trực tiếp từ bàn tay, “ ánh mắt” và sự cẩn trọng của người những người lính thợ.
 

Đạn cấp 5 được lấy thuốc ra thông qua hệ thống lò hấp được kiểm tra  kỹ lưỡng


“Để giảm thiểu độc hại cho bộ đội, tại các khu vực nhà xử lý đạn chúng tôi đều đề xuất xây dựng theo đúng quy chuẩn, thiết kế hệ thống quạt thông gió. Mọi quân nhân khi thực hiện nhiệm vụ đều phải mang mặc trang phục, vật chất bảo hộ lao động theo đúng quy định. Đặc biệt, chúng tôi cũng đề xuất với trên để người lao động được hưởng đầy đủ các loại phụ cấp, trợ cấp độc hại, trợ cấp khu vực, các chế độ bồi dưỡng... theo quy định, để mọi người an tâm, xác định tốt nhiệm vụ...”- Thượng tá Nguyễn Đình Thiện, Cụm trưởng Cụm 1, Trung tâm xử lý Công nghệ bom, mìn (Bộ tư lệnh Công binh), khẳng định.
 

Trước khi bắt tay vào công việc vận hành máy cắt bom MEBA 800-600, đơn vị chú trọng  kiểm tra công tác kỹ thuật, vận hành theo đúng quy trình.


“Do yêu cầu nhiệm vụ, từ đầu năm 2012, Trạm xử lý đạn cấp 5 được đầu tư xây dựng với đầy đủ các thiết bị khá hiện đại như: Máy tháo đầu đạn; các máy rút đạn, cắt bom; hệ thống lò xì thuốc nổ, khu vực nhà hấp thuốc nổ và hệ thống nước thải... đi vào hoạt động, có nhiệm vụ xử lý đạn cấp 5 được thu hồi từ các đơn vị trong toàn quân. Thay vì phải lập kế hoạch, cơ động đến các đơn vị làm công tác xử lý đạn như trước đây, hiện nay chúng tôi có đủ khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ xử lý các loại đạn cấp 5 đảm bảo đúng tiến độ và các yêu cầu  về công nghệ và môi trường. Theo đó, chỉ tính riêng năm 2013, đã hoàn thành việc xử lý 1.038 tấn đạn cấp 5 bảo đảm an toàn...”. Trung tá Đỗ Trọng Mừng, tự tin chia sẻ.