-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
Bảo đảm an toàn lao động
25/10/2018
Tuần lễ Quốc gia An toàn-Vệ sinh lao động-Phòng, chống cháy, nổ (AT-VSLĐ-PCCN) năm nay đang được tiến hành với nhiều hoạt động sôi nổi từ các địa phương, đơn vị, doanh nghiệp và người lao động. Với chủ đề “Mỗi doanh nghiệp, người lao động chủ động các biện pháp phòng ngừa tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp và cháy nổ để bảo vệ chính mình, doanh nghiệp và xã hội”, tuần lễ năm nay được kỳ vọng sẽ tiếp tục tạo chuyển biến hơn nữa về nhận thức, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân và toàn xã hội cùng tiến hành các biện pháp thiết thực bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN.
Ảnh minh họa: NLĐ |
Bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN là yêu cầu thường xuyên hằng ngày, hằng giờ đối với mỗi cá nhân, doanh nghiệp trong lao động sản xuất. Các vụ việc mất an toàn lao động, cháy nổ thời gian qua vẫn diễn biến phức tạp. Theo số liệu tổng hợp của 63 tỉnh, thành phố năm 2014 trên toàn quốc đã để xảy ra 6.709 vụ tai nạn lao động làm 6.941 người bị nạn, trong đó có 630 người chết. Tình hình cháy nổ năm qua cũng có chiều hướng tăng, với 2.357 vụ, làm hơn 200 người thương vong, thiệt hại về tài sản khoảng 1.300 tỷ đồng. Trong đó, có nhiều vụ mất an toàn lao động, cháy nổ lớn xảy ra ở các cơ sở sản xuất kinh doanh, gây thiệt hại lớn đối với chủ doanh nghiệp, người lao động và để lại hậu quả không nhỏ cho xã hội.
Thấy được hậu quả của các vụ việc mất an toàn lao động, cháy nổ, nhiều cơ quan, đơn vị, chủ doanh nghiệp, người lao động đã có những biện pháp tích cực phòng ngừa. Hưởng ứng Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN năm nay, từ trước và sau Tết, các cơ quan chức năng Bộ Quốc phòng đã tổ chức nhiều đoàn kiểm tra các nhà máy, xí nghiệp, cơ sở sản xuất, kho tàng. Qua đó, đã ghi nhận những việc làm tích cực và kịp thời chỉ ra cho các đơn vị, cơ sở sản xuất những nội dung còn thiếu, còn yếu, bổ sung, hoàn thiện các phương án để bảo đảm an toàn. Những việc làm chủ động như trên hoàn toàn có thể vận dụng thực hiện ở các bộ, ngành, địa phương, các cơ quan, doanh nghiệp. Một môi trường làm việc an toàn, người lao động được chăm sóc sức khỏe, trang bị đầy đủ các thiết bị bảo hộ và có hệ thống cảnh báo, phòng cháy, chữa cháy tốt, cùng với ý thức cẩn trọng của mỗi chủ doanh nghiệp và người lao động sẽ là biện pháp hữu hiệu để phòng ngừa và hạn chế nguy cơ mất an toàn lao động, cháy nổ có thể xảy ra.
Để nâng cao nhận thức, trách nhiệm của chủ doanh nghiệp và người lao động, công tác giáo dục, tuyên truyền, bồi dưỡng kỹ năng bảo đảm AT-VSLĐ-PCCN cần được tiến hành thường xuyên chứ không thực hiện theo kiểu mùa vụ. Khi tiến hành cần phải thực hiện nghiêm túc, tránh tính hình thức, phong trào. Trong công việc này, bên cạnh sự chủ động, tự giác của chủ doanh nghiệp, các cơ quan chức năng cần phát huy tốt vai trò kiểm tra, giám sát, xử lý kịp thời các đối tượng vi phạm quy định về AT-VSLĐ-PCCN. Đối với người lao động, cũng cần phải tự học, tự tìm hiểu công tác AT-VSLĐ-PCCN, chấp hành nghiêm quy trình làm việc, tuyệt đối không chủ quan để tự bảo vệ mình và bảo vệ sự an toàn cho cơ quan, đơn vị.
An toàn để sản xuất, sản xuất phải an toàn. Nguy cơ mất an toàn lao động, cháy nổ có thể xảy ra bất cứ lúc nào và ở bất kỳ đâu, nếu như các tổ chức, cá nhân không tuân thủ, thực hiện đầy đủ các quy định, quy tắc an toàn và chủ động phòng ngừa. Toàn xã hội, mà trước hết là các chủ doanh nghiệp, người lao động hãy thực hiện tốt Tuần lễ Quốc gia AT-VSLĐ-PCCN, đồng thời tiếp tục đưa các hoạt động đó thành nền nếp, thường xuyên trong quá trình lao động sản xuất để bảo vệ cho mình, cho doanh nghiệp và xã hội...