An toàn lao động ngành than

Công ty CP UTEN Việt - Đức 25/10/2018

Năm 2012, mặc dù đã triển khai nhiều biện pháp bảo đảm an toàn lao động tại nơi sản xuất, nhưng toàn Tập đoàn Công nghiệp Than - Khoáng sản Việt Nam (Vinacomin) vẫn để xảy ra 30 vụ tai nạn lao động (TNLÐ), làm chết 34 công nhân. Ðáng báo động là tai nạn hầm lò lên tới 24 vụ, khiến 28 người chết, tai nạn ngoài mặt bằng xảy ra sáu vụ, làm sáu người chết. So năm 2011, số vụ tai nạn tăng gần hai lần cả về số vụ và số người chết. Trong nhiều năm qua, ngành than thường có số người lao động bị chết do tai nạn cao nhất khi đang làm việc.
 

Do điều kiện khai thác hầm lò ngày càng xuống sâu, địa chất phức tạp, công tác quản lý kỹ thuật an toàn còn hạn chế,... cho nên xảy ra nhiều sự cố, tai nạn.

Lao động ngành than luôn bị rình rập bởi ba nguy cơ tai nạn chính: Áp lực mỏ, cháy nổ khí và bục nước. Ðáng lưu ý là một số vụ tai nạn có tính chất lặp lại, phức tạp gia tăng so với năm trước. Nguyên nhân chính xảy ra các vụ tai nạn thương tâm là sự chủ quan của người lao động, nhất là những công nhân trẻ, mới vào nghề. Người lao động thường có tâm lý chủ quan, không chủ động phòng, chống. Công tác an toàn, bảo hộ lao động trong các mỏ than cần được coi trọng, nâng cao hơn nữa, không thể đổ lỗi cho việc chạy theo năng suất, sản lượng. Mới đây, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải đã nhắc nhở Vinacomin cần quyết liệt hơn nữa trong công tác an toàn và khẳng định: "Ðầu tư cho an toàn là vấn đề không bao giờ các mỏ được phép do dự".

Sản xuất than là ngành công nghiệp nặng nhọc và tiềm ẩn nhiều rủi ro bất trắc, nhất là lao động làm việc trong hầm lò. Trong ngành than, hiếm có năm nào không xảy ra TNLÐ, và thường những TNLÐ này phải trả giá bằng sinh mạng con người. Ðể ngăn chặn, đẩy lùi TNLÐ, đòi hỏi toàn ngành than cần hết sức chú trọng đến công tác bảo đảm an toàn lao động bằng nhiều hình thức, biện pháp. Trong đó, yếu tố an toàn phải được coi là một trong những mục tiêu hàng đầu và cũng là tiêu chí quan trọng để xem xét, đánh giá công tác thi đua, thành tích của các đơn vị. Các cơ quan chức năng liên quan sớm rà soát, xem xét quy trình, yêu cầu về bảo đảm an toàn cho người lao động, không vì bất kỳ lý do gì để vi phạm và có biện pháp xử lý thật nặng để răn đe và làm bài học giáo dục chung. Ðồng thời, tăng cường kiểm tra, chỉ đạo các đơn vị thực hiện đầy đủ các quy định của Nhà nước về an toàn lao động, đổi mới phương thức huấn luyện an toàn cho thợ mỏ. Mặt khác, việc khảo sát, thăm dò và thiết kế khai thác phải đúng tiêu chuẩn, áp dụng các biện pháp an toàn cụ thể, chi tiết cho từng khai trường, khu vực. Ðể phòng ngừa, giảm tối đa TNLÐ, hơn bao giờ hết người lao động cần nêu cao ý thức kỷ luật lao động, tuân thủ nghiêm ngặt mọi quy trình bảo đảm an toàn.