An toàn lao động, bài toán chưa có lời giải

Công ty CP UTEN Việt - Đức 25/10/2018

Năm vụ tai nạn lao động (TNLĐ) làm chết 5 người chỉ trong vòng chưa đầy 1 tháng qua (giữa tháng 6 đến giữa tháng 7-2013) đã để lại nỗi đau cho nhiều gia đình và xã hội. Thực trạng này, một lần nữa gióng lên hồi chuông cảnh báo về nguy cơ mất an toàn lao động trong quá trình xây dựng và sản xuất tại nhiều doanh nghiệp, cơ sở sản xuất, công trình xây dựng dân dụng…  trên địa bàn tỉnh Bình Định.
 

Những người lao động làm việc tại các công trình xây dựng dân dụng thường không được trang bị thiết bị bảo hộ lao động nên nguy cơ tai nạn luôn rình rập.


Những cái chết thương tâm


Điển hình là vụ TNLĐ xảy ra vào trưa 14-6, tại Cụm Công nghiệp Tà Súc (huyện Vĩnh Thạnh) làm anh Lê Thanh Quý (SN 1982, ở thôn An Trạch, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) chết trên đường đi cấp cứu.


Hai tuần sau, khoảng 17 giờ ngày 29-6, tại công trình xây dựng, mở rộng QL19 đoạn gần cầu Hà Thanh 5, thuộc phường Nhơn Bình (TP Quy Nhơn), anh Lê Minh Thân (SN 1969, ở thôn Huỳnh Giảng, xã Phước Hòa, huyện Tuy Phước), công nhân đang thi công công trình này trong lúc lặn trải bạt chống thấm công trình đã bị tai nạn đuối nước, khi được đồng nghiệp phát hiện đưa lên bờ cấp cứu thì đã muộn.


Trong 5 vụ TNLĐ diễn ra chưa đầy tháng qua, thương tâm nhất là vụ tai nạn dẫn đến cái chết cho anh Hồ Công Định. Khoảng 9 giờ ngày 15-7, anh Hồ Công Định (SN 1981, ở xã Phước Hưng, huyện Tuy Phước) trong lúc đóng cốp – pha công trình xây dựng tại Ủy ban huyện Vĩnh Thạnh thì ngã từ giàn giáo xuống đất bị thương nặng. Ngay sau khi tai nạn xảy ra, anh Định được những người có mặt đưa đi cấp cứu nhưng nạn nhân đã chết trước khi đến Trung tâm Y tế huyện Vĩnh Thạnh.


Nỗi đau người ở lại


Đã gần 2 tháng trôi qua, kể từ ngày anh Trương Văn Kiệt (SN 1965, trú tại thôn Vinh Thạnh 1, xã Phước Lộc, huyện Tuy Phước) qua đời do ngã giàn giáo trong lúc xây nhà tại một gia đình ở Phú Tài, nhưng đến nay, chị Huệ (vợ anh Kiệt) vẫn còn chưa hết bàng hoàng. Nhắc lại chuyện cũ, chị không cầm được nước mắt, vẻ mặt thất thần. Chị Đào Thị Thúy Huệ cho biết: “Trưa hôm đó (ngày 31-5), mọi người đang chuẩn bị nghỉ ngơi, nhưng đợi mãi không thấy anh vào nên tôi mới ra tìm thì phát hiện anh Kiệt nằm bất động dưới nền đất. Mọi người vội vã đưa anh lên bệnh viện nhưng do vết thương quá nặng, khoảng tuần sau anh ấy trút hơi thở cuối cùng”.


Kể từ ngày anh Kiệt mất, trong căn nhà đơn sơn cũng vắng tiếng cười đùa, trò chuyện; thay vào đó là một không khí trầm lắng, đặc quánh mùi hương khói và những lời an ủi, động viên của người thân trong gia đình và bà con thôn xóm để 3 mẹ con chị Huệ cùng vượt qua nỗi đau và sớm ổn định cuộc sống. Giờ đây, mọi gánh nặng về cuộc sống “cơm áo gạo tiền” đều do một đôi vai gầy yếu chị Huệ gánh vác.


Cũng chỉ sơ sẩy trong tích tắc, anh Lê Thanh Quý (SN 1982, cư trú thôn An Trạch, xã Phước Thành, huyện Tuy Phước) đã phải đánh đổi mạng sống khi đang làm việc tại Cụm Công nghiệp Tà Súc (huyện Vĩnh Thạnh) vì bất ngờ gặp tai nạn trong lúc vận hành Pa lăng. Anh Quý ra đi khi vừa bước qua tuổi 32, để lại người vợ trẻ đang mang thai đứa thứ 2, cùng con gái lớn 6 tuổi. “Kể từ ngày bố cháu mất đến nay, nhiều đêm nằm ngủ con bé cứ hỏi mẹ khi nào bố đi làm về. Mỗi lần nghe vậy, tôi như chết lặng chỉ biết ôm con vào lòng mà khóc”, chị Ngân vợ anh Quý, nấc nghẹn trong nước mắt.


“An toàn lao động”, bài toán chưa có lời giải

Theo thống kê sơ bộ từ Thanh tra Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Bình Định, trong 6 tháng đầu năm nay, trên địa bàn tỉnh ta xảy ra 36 vụ TNLĐ làm chết 5 người, bị thương 33 người. So với cùng kỳ năm 2012, số vụ tai nạn chết người tăng 5 vụ làm chết 5 người, bị thương giảm 3 người.


Qua tìm hiểu, phần lớn nạn nhân trong các vụ TNLĐ là những lao động tự do; những người làm việc ở các doanh nghiệp có môi trường, điều kiện làm việc nặng nhọc, độc hại, sử dụng các thiết bị cần yêu cầu nghiêm ngặt về an toàn lao động (ATLĐ) thuộc các lĩnh vực xây dựng, cơ khí, sản xuất vật liệu xây dựng, khai thác và chế biến đá nhưng không được hưởng các chính sách về lao động như: Không được đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm tai nạn, không được trang bị thiết bị, trang phục bảo hộ lao động. Bên cạnh đó, việc không ít lao động đang làm việc trong điều kiện trang thiết bị máy móc cũ kỹ, lạc hậu không đảm bảo an toàn; không được duy tu, bảo dưỡng khiến NLĐ luôn đối mặt với những rủi ro về tai nạn…Trong khi đó, công tác quản lý, thanh tra lao động của Sở Lao động, Thương Binh & Xã hội (LĐ-TB&XH) còn quá mỏng, công tác cấp phép xây dựng công trình của Sở Xây dựng vẫn còn tồn tại nhiều bất cập là một trong những nguyên nhân cơ bản khiến TNLĐ gia tăng trong thời gian qua.


Về vấn đề này, ông Phan Như Hải, Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH tỉnh Bình Định, cho biết: “Tình hình TNLĐ trong 6 tháng đầu năm 2013 thật sự đang diễn ra khá nghiêm trọng. Để giảm thiểu các vụ TNLĐ xảy ra, Sở LĐ-TB&XH đã thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra, kiểm tra và xử lý nghiêm đối với những đơn vị vi phạm ATLĐ trên địa bàn; đồng thời, tại các địa phương có doanh nghiệp, công ty hay các công trình xây dựng… đoàn thanh tra của sở cũng thường xuyên phối hợp với các chủ sử dụng lao động tổ chức tuyên truyền NLĐ cần nắm bắt và hiểu đầy đủ các kiến thức ATLĐ trong quá trình xây dựng và sản xuất”.