Ám ảnh nỗi đau tai nạn lao động

Công ty CP UTEN Việt - Đức 25/10/2018

Theo Cục An toàn lao động, thống kê chưa đầy đủ cho thấy mỗi năm cả nước có khoảng hơn 5.000 người chết vì tai nạn lao động. Kéo theo đó là hàng vạn trẻ thơ mất cha mẹ, cuộc sống vô cùng khó khăn.
 

Gánh nặng cả đời

Vụ cháy kinh hoàng tại xưởng giày da tại thôn Đại Hoàng 3, xã Tân Dân, An Lão, Hải Phòng đã qua đi hơn 1 năm nhưng bé Bùi Quang Khánh con chị Phạm Thị Nhật – 1 trong 13 nạn nhân chết cháy trong khi làm việc hôm đó vẫn chưa nguôi ngoai nỗi nhớ mẹ. Cầm tay cháu, bà Ngăn – bà ngoại Quang Khánh, buồn thiu bảo “Trước, ngày nào hai mẹ con nó cũng tíu tít có nhau và ngày nào cũng ăn chung một tô cơm. Bữa mẹ nó gặp nạn, nó cũng phải chờ bằng được mẹ về ăn”.

Nông dân phải biết tự bảo vệ mình khỏi tai nạn lao động.

Khánh côi cút cha, giờ đây mất luôn mẹ. Ông bà ngoại em rất lo lắng vì năm nay ông bà đã ngoài 70 tuổi, không biết còn lo cho cháu thế nào. Hơn nữa, cô con dâu cũng bị bỏng nặng từ tai nạn, vẫn phải chạy chữa tốn kém.

Nhà anh Dương Văn Diên, 48 tuổi ở thôn Đại Hoàng 2 cũng mất hẳn tiếng cười kể từ khi vợ anh – chị Lê Thị Hồng mất. Con chị Hồng hơn 20 tuổi nhưng bị bại liệt từ bé. Chồng ốm yếu cũng mất khả năng lao động. Một đứa con trai thì chết vì tai nạn giao thông. Ngày còn sống, chị Hồng là trụ cột kinh tế trong gia đình, là người chăm lo cho chồng con. Bây giờ, chỉ còn một người liệt, một người ốm dựa vào nhau.

Cách xa hàng trăm cây số, em Nguyễn Khắc Trung Tín (xã Quảng Phước, huyện Quảng Điền, tỉnh Thừa Thiên - Huế) cũng gánh chịu nỗi đau từ tai nạn lao động. Mới 3 tuổi, mẹ em bị bạo bệnh mất, chỉ 50 ngày sau đám tang mẹ, bố em cũng mất vì tai nạn lao động. Em phải sống cảnh mồ côi, nghèo khó với ông bà nội già yếu, bệnh tật. Ông nội em hiện còn đang bị ung thư dạ dày, bà nội đau khớp mất sức lao động. Gánh nặng lao động lại trĩu lên vai em. Mọi việc trong nhà từ chăn nuôi gà vịt, dặm lúa, bón phân, hái rau, bán rau đều mình em cáng đáng. Đang học lớp 10 nhưng Tín đang lo không biết mình còn có thể đến trường được hay không.

Vì hạnh phúc tương lai

Chỉ vì không kiểm soát an toàn lao động (ATLĐ) mà những nỗi đau, gánh nặng ngày càng trĩu nặng trên vai những người ở lại. Ông Đặng Văn Tâng - Phó Giám đốc - Sở LĐTBXH (TP.Hải Phòng) cho biết, vụ tai nạn ở Tân Dân và nhiều vụ khác ở Hải Phòng xảy ra chủ yếu ở các ngành nghề công nghiệp, xây dựng. Theo một điều tra của Sở, có đến 65% người lao động không có ý thức chấp hành các quy trình ATLĐ; 61% doanh nghiệp chưa quan tâm đầu tư thích đáng trong việc cải thiện điều kiện làm việc cũng như máy móc cho người lao động.

“Vì thấm thía nỗi đau mất cha vì tai nạn lao động nên em mong rằng có thể trở thành kỹ sư điện công nghiệp, chế tạo máy phục vụ sản xuất nông nghiệp. Em sẽ hướng dẫn, giúp đỡ bà con sử dụng máy an toàn để không ai bị tai nạn”.

Theo Cục An toàn lao động, tình trạng tai nạn lao động xảy ra ở hầu hết các lĩnh vực, trong khi lực lượng thanh tra quá mỏng. Mỗi Sở LĐTBXH chỉ có từ 5-8 thanh tra viên thực hiện thanh tra trên nhiều lĩnh vực, nên khó kiểm soát sát sao, các doanh nghiệp vừa và nhỏ và khu vực nông thôn hầu như chưa thể kiểm tra. Như vậy, việc đảm bảo an toàn lao động, tuân thủ các quy định pháp luật về an toàn chỉ có thể trông chờ vào chính sự tự ý thức của lao động, khi làm việc cần yêu cầu doanh nghiệp cung cấp bảo hộ lao động, lối thoát hiểm theo đúng quy định.

Cũng theo ông Tâng, nếu người lao động hiểu và đòi quyền lợi chính đáng của mình về bảo hộ lao động, an toàn lao động thì chắc chắn chủ sử dụng lao động sẽ phải quan tâm hơn tới lao động: “Người lao động cần phải biết đề cao an toàn lao động trong sản xuất, để bảo vệ mình và cả hạnh phúc của những đứa con”- ông Tâng chia sẻ.