-
-
-
Tổng tiền thanh toán:
-
18 y bác sĩ bị phơi nhiễm với hiv có phải do thiếu bảo hộ lao động
25/10/2018
Sau vụ việc 18 y bác sĩ bị phơi nhiễm HIV khi cấp cứu cho bệnh nhân, đã có nhiều ý kiến hoài nghi cho rằng nhân viên y tế đã bỏ qua quy tắc phòng ngừa phổ quát.
TS Hoàng Đình Cảnh: "18 cán bộ y bác sĩ có nguy cơ nhiễm HIV"
Trước luồng dư luận trên, phóng viên Infonet đã có cuộc phỏng vấn TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS xung quanh những vấn đề này.
- Một số thông tin trên mạng xã hội cho rằng thời buổi này mà thực hành y tế lại bỏ qua khâu dự phòng thì lạ quá. Chẳng lẽ các cán bộ y tế lại bỏ qua các quy tắc phòng ngừa phổ quát? Chẳng có lẽ chỉ thực hiện các biện pháp phòng ngừa khi biết chắc bệnh nhân có HIV? Nếu bệnh nhân đang trong giai đoạn cửa sổ thì sao? Đã là nhân viên y tế khi làm việc với bệnh nhân nào cũng phải thực hiện các quy tắc đó để phòng lây nhiễm cho mình?”. Quan điểm của Cục Phòng, chống HIV/AIDS về vấn đề này như thế nào, thưa ông?
TS Hoàng Đình Cảnh, Phó Cục trưởng Cục Phòng, chống HIV/AIDS: Tôi đồng tình với quan điểm trong y tế phải dự phòng phổ quát mọi bệnh. Bởi quan điểm trong dự phòng phổ quát là phải coi tất cả các máu và dịch cơ thể đều có nguy cơ lây nhiễm HIV.
Điều này tất cả các cán bộ đều được đào tạo từ trong trường y và tôi nghĩ rằng họ hiểu điều đó. Tuy nhiên, chúng ta phải hiểu rằng trong trường hợp cấp cứu hay mổ xẻ giữa sự sống và cái chết của bệnh nhân chỉ còn trong gang tấc và có thể tính bằng giây thì mọi sự dự phòng có thể lúc đó chỉ còn là tối thiểu và thậm chí ngay cả dự phòng vẫn không tránh được phơi nhiễm như máu phun ào ào vào mặt, mũi, bác sĩ có thể không tránh được.
Do vậy, trong trường hợp này chúng tôi nghĩ không nên đặt những câu hỏi ngược lại như thế. Cuộc sống với bất cứ ai cũng quý giá cả và cán bộ y tế cũng vậy, họ không chỉ có bản thân, họ cũng còn có cả gia đình, người thân phía sau. Tuy vậy sau mỗi trường hợp như thế này tôi nghĩ mỗi cán bộ y tế và người quản lý bệnh viện cũng sẽ có những kinh nghiệm để dự phòng tốt hơn trong những trường hợp tương tự.
Bệnh nhân đã qua cơn nguy kịch. Nhưng 18 y bác sĩ, trong đó có 3 người đang mang bầu, đang đối diện với nguy cơ bị nhiễm HIV
- Việc 18 y bác sĩ bị phơi nhiễm HIV (theo lời các bác sĩ nói là đã phơi nhiễm chứ không phải nguy cơ phơi nhiễm như giám đốc Bệnh viện Phụ sản Hà Nội nói- PV) nguyên nhân do đâu? Liệu các bác sĩ có bỏ qua các bước về bảo hộ lao động hay không?
Đúng là 18 y bác sĩ đã bị phơi nhiễm với HIV. Vì khái niệm phơi nhiễm là khi có sự tiếp xúc trực tiếp với máu hoặc dịch sinh học của người nhiễm HIV. Các y bác sĩ tham gia quá trình vận chuyển bệnh nhân, tiêm truyền, hô hấp nhân tạo, mổ xẻ. Như vậy chính xác phải nói là họ bị phơi nhiễm với HIV hay họ có nguy cơ nhiễm HIV.
Còn bạn hỏi liệu các bác sĩ có bỏ qua các bước về bảo hộ lao động hay không? Phương pháp dự phòng phổ quát đầu tiên thường được được áp dụng bằng sử dụng hàng rào bảo vệ như mặc áo choàng, đi găng mà các bạn coi là bảo hộ lao động chắc chắn đó là quy định của ngành y tế nhằm không chỉ bảo vệ người thày thuốc mà còn tránh lây chéo cho bệnh nhân.
Tuy nhiên như tôi đã đề cập trên, ngay cả khi đã sử dụng bảo hộ lao động cũng chưa phải đã đảm bảo tuyệt đối an toàn như tình huống máu phun ào ào hay bệnh nhân sống chết trong gang tấc thì sự sống của bệnh nhân được đặt lên trên hết.
- Trong toàn bộ khâu khám cấp cứu, chuyển bệnh nhân vào phòng mổ, nguy cơ nhiễm HIV sẽ nằm ở công đoạn nào trong toàn bộ quá trình cứu sống nữ bệnh nhân này?
Như tôi đã đề cập ở trên, nguy cơ lây nhiễm HIV sẽ ở có ở mọi công đoạn nếu có sự tiếp xúc trực tiếp với máu, dịch sinh học của người nhiễm HIV vào vùng da, niêm mạc bị tổn thương, trầy xước của người bị phơi nhiễm. Tất nhiên cao nhất ở bất cứ ai trực tiếp tiếp xúc bệnh nhân như người thăm khám, cấp cứu, mổ xẻ cho bệnh nhân.
- Thưa ông, cơ chế truyền nhiễm HIV như thế nào? Cụ thể đối với những y bác sĩ...?
Nếu có tiếp xúc giữa máu của người nhiễm HIV vào vùng da, niêm mạc bị tổn thương thì vi rút sẽ xâm nhập vào máu của các y bác sĩ. Và từ đây, HIV xâm nhập vào các tế bào ưa thích đó là tế bào bạch cầu CD4 và một số tế bào đích khác.
- Trong 18 y bác sĩ tham gia cấp cứu và phẫu thuật cho bệnh nhân, có 3 người mang bầu. Điều này có ảnh hưởng gì đến sức khỏe của thai nhi hay không, thưa ông?
Có ảnh hưởng chứ. Chỉ có mức độ nhiều hay ít thôi. Ngay cả được điều trị bằng thuốc ARV cho phụ nữ mang thai hiện nay được đánh giá là an toàn với thai nhi, tuy vậy nếu không phải dùng thuốc thì vẫn tốt hơn.
Ca cấp cứu đặc biệt này diễn ra vào ngày 4/7 tại Bệnh viện Phụ sản Hà Nội. Bệnh nhân đang trên đường cùng con trai 11 tuổi từ Quảng Ninh về thăm quê ở huyện Mỹ Đức, Hà Nội. Vừa đến bến xe thì chị có biểu hiện xuất huyết âm đạo và ngất xỉu nên được đưa vào Bệnh viện Phụ sản Hà Nội cấp cứu.
18 y bác sĩ đã được huy động đến cấp cứu cho bệnh nhân này mà không hề chị bị HIV. Vì không trang bị phòng hộ nên họ đã bị phơi nhiễm virus căn bệnh thế kỷ. Trước đó, chị bị lây HIV từ người chồng đã mất vì tai nạn giao thông.
Chiều nay 9/7, Bộ trưởng Bộ Y tế và lãnh đạo Sở Y tế sẽ đến bệnh viện thăm hỏi, động viên và trao thưởng cho kíp bác sĩ thực hiện ca cấp cứu này.